Làm thế nào khi trẻ không chịu học Tiếng Anh?

0
1721

Việc dạy tiếng Anh cho trẻ bao giờ cũng vấp phải những điều khó khăn khi bắt đầu, nhất là đối với những trẻ không chịu học tiếng Anh. 

Vậy thì phải làm thế nào khi trẻ không chịu học tiếng Anh? Dưới đây sẽ đưa ra một vài bí quyết nhỏ có thể giúp các bậc cha mẹ dạy tiếng Anh cho bé thật hiệu quả. 

1. Càng ép càng không có hiệu quả

Thông thường, các bậc cha mẹ ở Việt Nam thường ép con mình học thêm rất nhiều môn học để con có thể đạt điểm cao ở trường, có thể thi vào trường đại học mà cha mẹ mong muốn, và nghĩ rằng điều đó sẽ tốt cho tương lai của con. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một quyết định sai lầm.

Nhiều đứa trẻ bị ép học những môn mà chúng không thích. Điều này không những không có kết quả tốt mà còn phản tác dụng, trẻ không thích nay sẽ càng ghét hơn, việc học đối với trẻ cũng trở nên nhàm chán và trẻ không phát huy được tiềm năng thật sự bên trong của trẻ. 

Thực tế trẻ em cũng giống như người lớn, nếu phải học những thứ ta không quan tâm, ta chỉ có thể học bắng cách đối phó để lấy điểm cho qua, để không bị rầy la hay bị phạt. Chuyện hiểu bài hay không sẽ không còn quan trọng nữa. Học xong sẽ quên liền vì ta thực sự không hiểu hay nói cách khác là ta không muốn hiểu.

Chính vì thế, các bậc cha mẹ không nên bắt ép trẻ học những thứ mà trẻ không muốn. Hãy để cho trẻ tự đưa ra lựa chọn và dành thời gian để học một môn nào đó hoặc theo đuổi một sở thích lành mạnh. Trẻ sẽ sử dụng được thời gian một cách hiệu quả và phát triển được thế mạnh của bản thân – thế mạnh nếu được đầu tư sớm và đúng cách lâu dài cho đến lớn chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho trẻ. 

Hãy để trẻ học tiếng Anh một cách thật tự nhiên, đừng ép buộc trẻ

2. Việc học tiếng Anh sẽ tự diễn ra khi trẻ sẵn sàng 

Khi con bạn cảm thấy hứng thú, bé sẽ tự học mà không cần bạn phải nhắc nhở. Khi bé tự thấy thích và cảm thấy cần thiết cho bản thân thì việc học sẽ diễn ra nhanh hơn và dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này thì các bậc cha mẹ phải thực sự hiểu con mình muốn gì để đưa ra những phương pháp phù hợp với bé. Ví dụ như bạn có thể dạy tiếng Anh cho bé dựa trên sở thích của bé, điều này có thể tạo cho bé sự thích thú, được làm những gì bé thích bé sẽ thấy thoải mái và vui hơn. 

Mà nếu cuối cùng đứa trẻ không hứng thú và bạn không đầu tư nữa thì sao? Ai bảo rằng tiếng Anh tốt sẽ đảm bảo 100% tương lai cho con bạn? Chắc hẳn bạn đã gặp hoặc biết những người thành công mà không giỏi tiếng Anh, bởi vì họ đã chọn đầu tư vào kỹ năng khác là thế mạnh của họ và họ được khuyến khích làm như vậy. 

Nếu điểm số của con quan trọng liệu có thể chấp nhận rằng con bạn đạt được điểm khá vừa phải trên lớp là ổn rồi? Bạn có thể cho con học thêm vừa phải để nâng mức điểm lên không tệ quá, chứ không nên “nhồi” quá nhiều và hy vọng từ điểm 5 con bạn sẽ nhảy lên 10. Mong đợi đó có thực tế lắm không? 

Các bậc cha mẹ cũng không nên căng thẳng quá trong việc này. Hãy để quá trình học của con trở nên thật tự nhiên, sự học hỏi, tò mò cần được khuyến khích để phát triển lâu dài, quan trọng là trẻ tiếp nhận được kiến thức và hiểu được những kiến thức đó một cách đúng đắn. Hãy xem tiếng Anh như một ngôn ngữ để giao tiếp và kết nối mọi người, đừng xem nó như môn học bắt buộc trẻ phải thực hiện.